ĐỒ NỘI THẤT VÀ NGÔI NHÀ VIỆT

Đăng lúc 17:47:00 ngày 25/10/2018 | Lượt xem: 1124 | Cỡ chữ

Cần làm rõ dấu ấn văn hóa việt.

Là người nghiên cứu văn hóa dân gian, tôi hay tự hỏi mình khi đi lựa chọn một món đồ nội thất rằng: cái này người Việt sáng tạo, hoặc mang dấu ấn Việt? Tôi có thể nhìn ra đặc tính văn hóa qua sản phẩm nội thất của Nhật, Ấn Độ hay vùng Scandinavia, nhưng với một số dân tộc khác, quốc gia khác thì lại không. Dĩ nhiên phía sau vấn đề hàng hóa nói chung và đồ nội thất nói riêng luôn có câu chuyện dài, liên quan từ khâu đào tạo nhân lực, khai thác vật liệu, nghiên cứu văn hóa, đặc tính dân tộc… rất phức tạp mà không phải cứ muốn là làm được. 

Tuy nhiên, tôi cho rằng, đồ nội thất Việt hiện đại có thể nhìn ngược về quá khứ để rút ra một số nhóm đặc trưng về chất liệu, form dáng hay câu chuyện văn hóa mang nét riêng của chúng ta, ít nhất giúp định hình một phong cách đã từng có. Ví dụ, các dòng gốm Biên Hòa, Bình Dương, Bát Tràng hay Bàu Trúc là kho dữ liệu quý giá nên khai thác vào gốm trang trí hiện đại. Hay điêu khắc gỗ cũng vậy, nét chạm trổ đồ gỗ xưa có đặc trưng Việt và vùng miền rất đặc sắc, cớ sao hiện nay khá nhiều bàn ghế lại chỉ toàn thấy những kiểu cách, họa tiết ngoại lai, xa lạ, phô trương?

Khách nước ngoài dùng sản phẩm đồ nội thất Việt Nam tinh tường khi chọn lọc những thứ mà ở nơi khác không có, không bằng, không thể làm được như chúng ta, nhưng phía chúng ta lại ít đầu tư phát triển lên cao cấp hơn, phong phú hơn. Ví dụ như các dòng gốm dân gian kể trên, thuở ban sơ phục vụ cho nhu cầu đời sống như chân đèn, bình bông, phù điêu… giữ nguyên được phong cách chế tác thô mộc (nặn thủ công, hòa biến, bài men riêng) rất được giới sưu tầm ưa chuộng. Những mảng phù điêu gốm trên lối ra vào chợ Bến Thành là ví dụ sống động. Trong nhà thì những vật dụng gốm kiểu “vừa xàu vừa chưng” luôn đem lại phong cách riêng làm cho không gian Việt có tính thu hút riêng.

Sau mây tre lá, sản phẩm từ dừa và lục bình làm quà lưu niệm hay mỹ nghệ thì lâu nay đã thấy, nhưng đồ nội thất loại lớn như bàn ghế làm từ chất liệu có nguồn gốc dân dã này chỉ mới xuất hiện chừng 10-15 năm gần đây. Đa số được thiết kế hiện đại và giảm thiểu chi tiết rườm rà.

Tuy nhiên theo tôi thẩm mỹ và nét văn hóa Việt vẫn chưa bộc lộ rõ, đó là vấn đề mà đồ nội thất Việt hiện đại rất cần quan tâm nếu muốn phát triển. Nếu chỉ thuần túy vay mượn chuyện xưa tích cũ hay chi tiết phục cố thì chưa đủ. Rất cần những giải pháp chuyên môn qua thủ pháp mới, vật liệu mới với sự kết hợp, xử lý kiểu dáng, mô tuýp trang trí, chiếu sáng… sao cho không cần phải dùng đến đồ cổ mà vẫn mang rõ hồn cốt một thời, thấy được phong cách Việt đương đại.

Cần quan tâm dấu ấn thời gian.

Tôi có nghe vài kiến trúc sư trẻ than thở: nhà em vừa mới bàn giao không gian cũng “chất” lắm nhưng gia chủ không chịu sắm đồ tương xứng nên … chán, có nhà mua đồ mới nhưng toàn đồ chợ, đồ sến. đây là thực tế hay xảy ra vấn đề “lệch pha quan niệm” giữa các bên trong công việc chọn lựa đồ nội thất. Khi người dân chưa thực sự tin tưởng hoàn toàn vào hàng “Made in Vietnam” thì hàng ngoại nhập, hàng giả mạo thương hiệu vẫn có đất sống. Ở phía người tạo tác phẩm và kinh doạnh nội thất Việt, rõ ràng vẫn còn nhiều bị động trong cách nghiên cứu thị trường, nắm bắt thị hiếu, đầu tư cho thiết kế và quảng bá… khiến các thương hiệu nội thất Việt chưa đủ nhiều, đủ mạnh trên thị trường.

Cách kinh doanh đồ nội thất vẫn theo kiểu cũ, tức là tìm kiếm mặt bằng trưng bày và trông chờ vào nhu cầu mua sắm vãng lai, mang tính thời vụ, ít kết nối các kênh tiếp thị thời đại số, hoặc quảng bá theo dạng đơn giản, thiếu hấp dẫn.

Có bao giờ bạn tự hỏi vì sao các quán cà phê theo phong cách vintage hay retro với nhiều đồ xưa vật cũ lại khá đông khách không? Khi bước chân vào một ngôi nhà, dấu ấn thời gian thể hiện thế nào chính là ở cách “kể chuyện” của gia chủ, là chất văn hóa riêng. Không thể quay ngược dòng lịch sử, nhưng các đúc kết kinh nghiệm, so sánh theo trục thời gian xưa và nay luôn cần thiết ở mọi lúc mọi nơi, bởi có cũ thì mới có mới, có xưa thì mới có nay. Nhà xưa khó có thể bằng với nhà mới xây hiện nay về mặt tiện nghi hay kỹ thuật, nhưng nếu xét về dấu ấn thời gian trong không gian cụ thể thì có chỗ nhà nay phải học nhà xưa.

Nhà xưa ở vùng miền nào, thời nào là nhìn thấy ngay cách thức trang trí đặc trưng vùng đó, thời đó, khó lẫn vào đâu được. Nhà nay lắm khi chưng nhiều đồ đặt tiền nhưng lại không phải đồ nào cũng hợp với nhà mình, hợp cảnh, hợp thời, hợp người; nhìn một số căn hộ hay biệt thự lâu đài bên Pháp thế kỷ 16! Hiện tượng khá nhiều gia chủ Việt Nam thích làm nhà nhắc lại kiểu xưa, nhiều nội thất thuần túy là vật dụng sưu tầm, đồ cổ, đồ kỷ niệm… bởi có lẽ đấy là nhu cầu của cư dân mong muốn nhìn thấy “tuổi” của không gian sống, không thấy dấu ấn thời gian lưu qua năm tháng, thấy giá trị của những món vật sưu tầm. Đây là nhu cầu có thật và cần đáp ứng sao cho hợp lý, không quá sa đà.

Để ghi dấu ân “chiều thời gian” của mỗi gia đình, tôi luôn đề nghị các gia chủ hãy để ý tận dụng và tìm cách làm mới đồ cũ họ có, hoặc thậm chí theo chiều ngược lại, làm cũ đồ mới trong khả năng và giới hạn thẩm mỹ, để giúp cho ngôi nhà có kết nối các dấu ấn thời gian nhiều hơn, góp phần định vị rõ phần hồn của không gian sống.

Phạm Hải Đăng

Gia chủ giữ vai trò quyết định

Trong 4 nhân vật then chốt khi làm nhà là gia chủ - thiết kế - thi công – trang trí nội thất thì người đi “tiên phong” và người “đoạn hậu” ảnh hưởng khá nhiều đến diện mạo ngôi nhà. Tất nhiên có lẽ gia chủ có tâm và có tầm thì các nhà chuyên môn được nhờ, được khai thác đúng khả năng. Còn gia chủ vừa thiếu trình độ thẩm mỹ lại còn không biết lắng nghe ý kiến tư vấn thì hậu quả ai cũng biết: nhà cửa xây cất tốn kém mà đồ đạc chọn lựa lung tung, thiếu đồng bộ, thiếu sang trọng, lãng phí vô ích.

Tâm lý “tốt khoe xấu che” luôn tồn tại dù ít dù nhiều, nhất là đối với không gian tiếp đón, sinh hoạt chung, khu bếp ăn… vào các mua mua sắm cuối năm hay dịp lễ tết. Đâu phải cứ mỗi lúc cần trang trí – trang hoàng – trang điểm là gia chủ gọi được kiến trúc sư hay gọi nhà thầu đến nhờ giúp đỡ. Các trung tâm nội thất cũng chi tư vấn – thiết kế - cung cấp vật dụng theo kiểu “ra món ra tấm”, chứ ít nơi nào làm việc đặt một cái bình, treo để đồ đạc, và tỷ lệ thành bại, đẹp xấu trong chuyện “vừa làm vừa học” này cũng khá cao.

Cũng do vậy, không ít gia chủ hiện nay xem các showroom nội thất, nhà sách báo tham khảo, tư liệu trên mạng là “bạn đồng hành” của mình nhằm hình thành ý tưởng và biến ý tưởng ra hiện thực. Kiến trúc sư lại hay dị ứng với kiểu bị người khác đưa tài liệu ra áp đặt thiết kế, trong khi nhà thầu thì thường ít quan tâm đến mấy chuyện mua sắm đồ đạc, vậy thì ai thông cảm những khó khăn của gia chủ? Phần đồ dạc trưng bày nhà cửa luôn là những gì họ thấy trực quan nhất, có thể cầm sờ mó được tận tay tại cửa hàng, trong khi bản vẽ kỹ thuật không phải gia chủ nào cũng đọc và hiểu được. Vì thế vai trò tư vấn tại nơi cung cấp khá quan trọng cung cấp khá quan trọng với gia chủ khi “đi chợ”

Câu chuyện về đồ nội thất Việt diễn biến lâu nay theo các phân tầng về giá cả mực độ tiêu dùng. Giới chuyên môn không mặn mà với giới kinh doanh đồ nội thất thông thường, các thương hiệu nội thất lớn đa phần từ nước ngoài với chi phí cao và định vị nhóm khách hàng từ trung – cao cấp trở lên. Nhóm khách hàng bình dân đành chọn lựa trong thị trường cũng bình dân, đầu tư chất xám và ý tưởng thiết kế rất ít, nếu có đồ đẹp hay lạ thì phần nhiều là hàng nhái mẫu. Một số nhóm thiết kế trẻ khá năng động hiện nay đã bắt đầu làm đồ nội thất được chế tác riêng cho từng công trình. Tuy nhiên để phát triển ở quy mô lớn và nâng tầm thẩm mỹ, ý thức sử dụng của người tiêu dùng lên thì theo tôi vẫn còn gian nan lắm.

 

10/10 374 bài đánh giá
0904.112244
zalo icon