Đăng lúc 11:43:00 ngày 13/10/2018 | Lượt xem: 1362 | Cỡ chữ
Theo lời anh kể, những năm còn học ở trường phổ thông, anh là một trong những người học sinh giỏi toán của Huế. Anh cũng có chút hoa tay nên vẽ khá đẹp. Như trường hợp chung của nhiều người theo nghiệp kiến trúc sư, anh cũng muốn chọn cho mình một nghề nghiệp dễ “kiếm sống”. Anh chọn thi vào Trường đại học Kiến trúc thay vì theo ngành toán. Do có vốn tiếng anh khá, sau khi tốt nghiệp đại học anh xin vào làm việc với các công ty xây dựng nước ngoài. Xin việc ở công ty nước ngoài không thành công, anh chuyển hướng sang xin việc với các công ty trong nước. Một công ty xây dựng lớn của Việt Nam, giám đốc cũng là một kiến trúc sư đàn anh, đồng ý nhận anh vào làm việc; vẽ Auto Cad (thời đó rất hiếm người biết sử dụng phần mềm này), làm dự toán, giám sát công trường… Vị trí cuối cùng anh ở công ty này là quản lý xưởng sản xuất đồ gỗ.
Theo tôi, anh là một trong những kiến trúc sư biết xoay chuyển hướng đi dựa theo năng lực riêng của mình, không chút vướng víu như nhiều đồng nghiệp khác. Anh tự nhận ra rằng mình không có năng khiếu sáng tác cần có, nên đã tìm cho mình một hướng đi khác phù hợp hơn. Rời công ty đầu tiên này, anh đã thử sức ở nhiều loại công việc khác nhau, kể cả mở một công ty phần mềm. Năm 2004, kiến trúc sư Nguyến Chánh Phương thành lập công ty Danh Mộc, nhà máy đầu tiên được đặt ở Quận 7, chủ yếu phục vụ khách hàng khu vực Phú Mỹ Hưng. Năm 2006, nhãn hiệu tủ bếp cao cấp Carpenter chính thức được ra mắt. Hiện nay sản phẩm tủ và tủ bếp của công ty chủ yếu được lắp đặt tại các công trình xây dựng cán bộ và anh mong muốn phát triển manh hơn ở lĩnh vực nhà ở tư nhân.
Tuy Danh Mộc vẫn thi công các công trình trang trí nội thất lớn dùng gỗ có cấu trúc phức tạp như Gem Center, nhưng tôi lại đặc biệt quan tâm đến mảng sản xuất “chuyên sâu” về tủ bếp và tủ của thương hiệu Carpenter. Có thể do xuất phát từ học sinh giỏi toán và giỏi về phần mềm nên anh rất hào hứng trong việc sử dụng máy tính để thiết kế và quản lý sản xuất. Mong ước của anh là có thể “Hệ thống hóa dây chuyền sản xuất bằng các phần mềm thiết kế và ứng dụng trong sản xuất, cắt giảm tối thiểu hao phí trong sản xuất…”. Mục tiêu của Carpenter là “không phải chi trả vô lý cho bất kỳ chi tiết thiếu thông minh nào trong dây chuyền sản xuất”. Anh đã soạn KDS Carpenter, một chương trình nhỏ chạy trên phần mềm Sketchup (phần mềm vẽ 3D rất phổ biến trong giới thiết kế hiện nay). Đi kèm KDS Carpenter, còn có một thư viện gồm nhiều module, mẫu vật liệu và phụ kiện có sẵn trên thị trường.
Các nhà thiết kế thường rất lúng túng với việc thiết kế các hệ thống tủ và tủ bếp theo các vật liệu hiện đại, nhìn thấy tưởng đơn giản nhưng lại phải rất “rành nghề”. Với KDS Carpenter, anh tin rằng các nhà thiết kế có thể linh hoạt tùy chỉnh thiết kế tủ mà không cần biết quá nhiều về cấu tạo. KDS Carpenter có khả năng tự điều chỉnh cấu tạo khi người thiết kế thay đổi kích thước, kiểu dáng, vật liệu hoặc phụ kiện đi kèm. Sau khi xong khâu thiết kế, KDS Carpenter sẽ cung cấp dự toán, bản vẽ chính xác cho người thiết kế. Đối với sản xuất, KDS Carpenter sẽ chiết xuất trực tiếp ra bảng vật tư phụ kiện cần thiết cho sản xuất và danh mục kích thước thành phần tạo nên sản phẩm, chi tiết khoan lỗ… để sản phẩm đảm bảo đúng hoàn toàn với bản thiết kế.
Việc áp dụng phần mềm riêng trong thiết kế và sản xuất như anh đang thực hiện là một nỗ lực rất đáng khích lệ trong việc nâng cấp doanh nghiệp. Nhưng việc này không hề đơn giản, nó đòi hỏi anh phải đầu tư nhiều hơn tiền bạc để hiện đại hóa dây chuyền sản xuất quảng bá doanh nghiệp. Nâng cao năng lực sản xuất sẽ vô ích nếu không nâng cao năng lực kinh doanh. Quá khó cho một kiến trúc sư? Mong anh thành công với những dự án kinh doanh mới trong tương lai.
Khoảng trước những năm 1990, bếp của nhà ở thành thị (phía Nam) đều xây dựng tường gạch, bên trên đặt mặt bàn bằng đan bê tông cốt thép. Muốn chia ngăn kệ thì cũng dùng đan bê tông cốt thép. Tất cả được ốp gạch “men” - gạch ceramic phủ men bóng – hình vuông, mỗi cạnh 11cm. Trước mặt tủ bếp có thể có cánh cửa gỗ, lưới thép chống côn trùng hoặc để trống. Bếp lò thường là bếp đầu hỏa, sau này hiện đại hơn thì có bếp gas nhưng tất cả đều là loại rời và được đặt trên bàn bếp. Bồn rửa chén cũng được xây thành chậu, ốp gạch “men”, gắn vòi nước bằng đồng thau… Bếp xây kiểu này rất choán chỗ do chiều dày mỗi bức tường và đan lên đến hơn 10cm. Kiểu dáng và màu sắc đơn điệu. Thiết bị rất lạc hậu…
Hiện nay, bếp theo kiểu các nước phát triển phương Tây đã rất phổ biến trong nhà ở đô thị Việt Nam. Các tủ bếp này thường có thùng tủ bằng ván công nghiệp được phủ sơn hoặc phủ lớp nhựa mỏng. Các tủ bếp này thường có thùng tủ bằng ván công nghiệp được phủ sơn hoặc phủ lớp nhựa mỏng. Cánh cửa tủ bằng ván công nghiệp hoặc bằng gỗ, lớp hoàn thiện bên ngoài đa dạng tùy lựa chọn. Mặt bếp bằng đá thiên nhiên, đá nhân tạo… Bếp nấu, bồn rửa… đều được sản xuất theo công nghệ cao và đặt âm trên mặt bàn, rất thẩm mỹ, dễ lâu chùi. Tủ bếp ngày này không còn được sản xuất theo thủ công truyền thống, nó có thể được sản xuất theo kiểu bán thủ công với quy mô vài bộ hoặc phải sản xuất trên dây chuyền tự động hiện đại với quy mô vài trăm, vài ngàn bộ.
Các tin mới hơn:
Các tin cũ hơn: